Cao Bằng là tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc, với đường biên giới dài trên 300 km, giáp Trung Quốc. Địa thế hiểm trở nhưng thiên nhiên tươi đẹp, có cả núi non, hệ thống hang động và hồ nước… vẻ đẹp Cao Bằng được tôn lên gấp bội.
Cao Bằng mùa nào đẹp?
Từ tháng 8 đến tháng 9 là mùa đẹp của Cao Bằng khi thác Bản Giốc đổ nước nhiều và trong xanh, nhiều đoạn ruộng bậc thang chín vàng.
Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 9, nước tuôn trào, tung bọt trắng xóa. Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau, trời lạnh hơn, nước chảy êm đềm, trong xanh.
Nếu muốn ngắm thác kết hợp chín bạn có thể đi vào dịp tháng 10. Để trải nghiệm mùa dã quỳ hay tam giác mạch, bạn nên lên đường vào tháng 11 và 12. Tháng 3 có mùa hoa lệ.
Sáng sớm và tối ở vùng núi Cao Bằng tiết trời se se lạnh, nhiệt độ có thể hạ xuống 15-16 độ C. Nếu di chuyển bằng xe máy bạn nhớ mặc áo ấm, mang theo áo mưa.
Di chuyển
Cao Bằng cách Hà Nội khoảng 280 km. Từ Hà Nội đến TP Cao Bằng, có các nhà xe như Thanh Ly, Khánh Hoàn, 42… tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm. Vé một người khoảng 200.000 – 300.000 đồng. Thời gian di chuyển khoảng 6-7 tiếng.
Đến thành phố, bạn có thể tìm các điểm thuê xe máy. Giá khoảng 200.000 đồng một ngày, chưa bao gồm xăng xe. Lưu ý đổ xăng đầy bình vì trên đường không có nhiều trạm xăng.
Nếu đi ôtô riêng, bạn có thể di chuyển theo hướng cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, theo QL4 đến Cao Bằng. Một hướng khác là cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Đến Thái Nguyên, tiếp tục đi cao tốc Thái Nguyên – Chợ Mới rồi đến Bắc Kạn, đi tiếp QL3 qua Phủ Thông – Ngân Sơn – Cao Bằng.
Từ Bắc Kạn lên Cao Bằng đường nhỏ nhưng phẳng, xe sedan chạy tốt. Những đoạn cua hơi nhiều, nhất là sau khi qua Ngân Sơn. Đường qua Bắc Kạn quanh co hơn qua Lạng Sơn.
Lưu trú
Đi thác Bản Giốc khách có thể nghỉ ở huyện Trùng Khánh hoặc vào thành phố Cao Bằng cách đó khoảng 80 km để có nhiều lựa chọn hơn. Gần thác Bản Giốc có Yến Nhi homestay, Khuổi Ky Homestay, Lan’s Homestay Ban Gioc… giá khoảng 200.000 đồng một đêm.
Một số địa chỉ tại trung tâm thành phố là Primrosé Homestay Cao Bang, Son Tung Hotel, Jodevi Homestay Cao Bằng, Jeanne Hotel… giá trung bình 300.000 đồng một đêm.
Nếu có túi tiền rủng rỉnh, gợi ý cho bạn là Sài Gòn – Bản Giốc, resort 4 sao duy nhất ở Cao Bằng. Khu nghỉ nằm ngay gần thác Bản Giốc, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.
Đến Cao Bằng chơi đâu?
Lịch trình 3 ngày 2 đêm đủ để du khách ghé thăm các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Cao Bằng.
Khu di tích Pác Bó
Từ thành phố Cao Bằng, du khách chạy xe 50 km về phía huyện Hà Quảng giáp biên giới Trung Quốc, tham quan khu di tích Pác Bó. Do nơi này có nhiều điểm tham quan và khuôn viên rộng, bạn nên dành khoảng 4 tiếng để khám phá trọn vẹn.
Sau khi qua cổng tham quan, du khách sẽ thấy cột mốc số 0 của tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài Bắc Nam, đối diện là khu tưởng niệm Bác Hồ. Để tới được suối Lê Nin và núi Các Mác, bạn sẽ đi bộ qua thôn Pác Bó.
Hiện ra trước mắt bạn sau quãng đường đi bộ qua thôn Pác Bó là ngọn núi Các Mác và suối Lê Nin. Men theo dòng nước trong xanh và đi về phía đầu nguồn là hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ từng sống, làm việc và lãnh đạo cách mạng. Cách đó không xa là các điểm di tích lịch sử như bàn đá nơi Bác ngồi làm việc, nhà ông Lý Quốc Súng…
Nếu có thời gian, đừng bỏ qua cột mốc 108 là nơi đầu tiên Bác Hồ đặt chân tới Việt Nam khi về nước sau nhiều năm bôn ba nước ngoài; và khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Kim Đồng. Vé vào khu di tích Pác Bó là 25.000 đồng một người. Nếu sử dụng xe điện, du khách trả thêm 20.000 đồng một người.
Thác Bản Giốc
Để tránh cảnh đông đúc của thác Bản Giốc, hãy tranh thủ ghé thăm từ sáng sớm. Vé vào thác là 45.000 đồng một người. Đường đến Bản Giốc qua đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu và nhiều vùng đồng ruộng đẹp mắt.
Là thác nước lớn nhất Việt Nam, Bản Giốc phân chia ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Để tới gần bạn cần thuê thuyền bè đi đến chân thác để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn thác này.
Nếu đến đây vào buổi chiều, bạn có thể nán lại tới khoảng 19h để chiêm ngưỡng màn trình chiếu ánh sáng nghệ thuật ban đêm. Chương trình thường kéo dài 1 giờ 30 phút, bạn hãy hỏi thăm người dân để biết thời gian cụ thể.
Sông Quây Sơn
Dòng sông Quây Sơn bắt nguồn từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc chảy qua lãnh thổ Việt Nam gần bên cửa khẩu Pò Peo, huyện Trùng Khánh. Đoạn sông bắt qua Việt Nam dài 49km. Đây là nơi luôn hút khách bởi cảnh đẹp hai bên bờ.
Chùa Phật Tích Trúc Lâm
Ngôi chùa chỉ cách thác Bản Giốc một đoạn ngắn. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm toàn bộ thác và núi rừng hùng vĩ.
Làng đá cổ Khuổi Ky
Làng đá cổ nằm cách thác Bản Giốc khoảng 3 km, cách trung tâm TP Cao Bằng gần 100 km. Làng Khuổi Ky có 14 hộ dân tộc Tày sinh sống tại những ngôi nhà sàn làm bằng đá tồn tại hàng trăm năm. Những ngôi nhà sàn đá này có từ khoảng năm 1594 – 1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước.
Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao nằm ngay sát làng Khuổi Ky. Theo tiếng Tày, Ngườm Ngao có nghĩa là “động Hổ”. Đây là hang động lớn với chiều dài hơn 2.100 m và nhiều nhánh chưa được khai phá.
Khách tham quan vào bằng cửa Ngườm Lồm và ra bằng cửa Ngườm Ngao. Lối đi này trải bê tông, có đèn sáng. Tuy nhiên, đường đi này bị đứt quãng ở đoạn giữa hang – nơi trần hang cao nhất. Vé vào cửa 45.000 đồng.
Hang Ngườm Pục
Ngườm Pục có độ sâu 100 m, nằm sâu trong dãy núi đá giáp ranh giữa xã Lê Lợi của huyện Thạch An (Cao Bằng) và xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Trải dài từ cửa vào bên trong là hệ thống nhũ đá nguyên sơ rất đẹp. Muốn khám phá, bạn phải vượt qua các địa hình hiểm trở. Nơi đây hiện vẫn chưa được nhiều du khách biết đến.
Hồ Thang Hen
Hồ Thang Hen nằm ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển, thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Từ trung tâm TP Cao Bằng, bạn chỉ mất khoảng một giờ chạy xe máy đến đây. Được nhiều phượt thủ ví như tiên giới, hồ toạ ở giữa một vùng núi non hùng vĩ, mặt nước xanh phản chiếu bóng các vách đá cheo leo.
Núi Mắt Thần
Cách thành phố khoảng 39 km, núi Mắt Thần nằm trong quần thể hồ Thang Hen của Công viên Địa chất Cao Bằng. Theo tiếng Tày, ngọn núi được gọi là Phja Piót, nghĩa là núi bị thủng một lỗ. Người địa phương thường gọi là núi Thủng và khách du lịch cũng dần quen với cái tên này.
Bao quanh núi là thung lũng rộng lớn với những thảm cỏ xanh trải dài, khung cảnh hoang sơ, yên bình và tĩnh lặng với những đàn ngựa thong thả gặm cỏ. Đoạn rẽ vào núi hơi khó tìm, du khách nên hỏi trước người dân địa phương để không bị lạc. Trên đường đến núi, du khách sẽ đi ngang qua đèo Mã Phục, một điểm ngắm cảnh đẹp khi di chuyển bằng xe máy.
Đèo Khau Cốc Chà
Đèo dài khoảng 2,5 km, nằm trên QL 4A, nối xã Xuân Trường đến trung tâm huyện Bảo Lạc. Leo bộ theo đường núi đến điểm ngắm cảnh đèo mất khoảng 30 phút. Từ đây bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn con đèo có 14 khúc cua uốn mình trên sườn núi cao.
Chợ phiên Bảo Lạc
Du khách hãy thử ghé qua chợ phiên Bảo Lạc để ăn sáng, mua đặc sản. Người địa phương buôn bán rẻ, đồ ăn ngon. Chợ họp vào các ngày mùng 5, 10, 15, 20, 25, 30 Âm lịch hàng tháng.
Bản Giuồng
Bản Giuồng (Duồng) thuộc xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa. Dân cư ở đây chủ yếu là đồng bào Tày với khoảng 75 hộ. Đến đây, bạn sẽ được hoà mình vào không khí trong sạch, mát mẻ mà hiếm nơi nào có được. Vùng đất này còn nổi tiếng với lễ hội Nàng Hai, được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, khung cảnh càng ấn tượng hơn nếu du khách ghé chân vào mùa lúa chín.
Rừng trúc Lũng Pán
Nơi đây có diện tích trồng trúc lớn nhất ở Cao Bằng, cảnh quan rừng trúc xanh mát và đẹp như phim trường của Thập Diện Mai Phục nên cũng là điểm check-in hấp dẫn. Cung đường Lũng Pán – Nguyên Bình – TP Cao Bằng khoảng 100 km.
Thung lũng Xuân Trường
Tháng 3 hoa lê tô điểm cho thung lũng Xuân Trường. Người dân sống ở thung lũng này trồng lê và mắc cọp để lấy quả ăn. Không ngập tràn màu trắng như thung lũng mận, mơ Tây Bắc nhưng trong vườn, trước cổng nhà nào cũng có hoa lê.
Vườn hạt dẻ ở Trùng Khánh
Huyện Trùng Khánh, cách TP Cao Bằng khoảng 60 km là thủ phủ của hạt dẻ. Chỉ cần đỗ xe bên đường, đi vào vài chừng 20 m là bạn có thể vào thăm những vườn hạt dẻ. Ghé vườn vào mùa xuân, bạn sẽ cảm nhận được mùi hương ngai ngái của những chùm hoa dẻ trắng muốt. Mùa hoa hạt dẻ chín là vào cuối thu đầu đông, tháng 10 và 11.
Hồ Bản Viết
Theo hướng từ thị trấn Trùng Khánh đi thác Bản Giốc khoảng 10 km, sau đó rẽ khoảng 3 km đến xóm Bản Viết, xã Phong Châu (Trùng Khánh), du khách sẽ đến hồ Bản Viết. Thời điểm tới tham quan hồ lý tưởng nhất là vào mùa thu đông, khi cây rừng thay lá. Nơi này phù hợp với các hoạt động dã ngoại, cắm trại, trekking, chèo SUP…
Núi Phia Oắc
Cao Bằng có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000 m so với mực nước biển, trong đó Phia Oắc cao 1.931 m, là đỉnh núi cao thứ hai của tỉnh (núi Phia Dạ thuộc xã Sơn Lập, Bảo Lạc cao nhất với 1.987 m).
Mùa mây ở Phia Oắc kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, đặc biệt vào tháng 2 xuất hiện những luồng mây dày sà xuống khu rừng vào sáng sớm hoặc hoàng hôn. Khi nhiệt độ hạ xuống thấp hơn, băng giá có thể xuất hiện trên đỉnh núi này.
Đặc sản Cao Bằng có gì?
Đã tới đây bạn đừng quên thưởng thức các đặc sản như vịt quay, phở thịt quay, ong non xào măng, khâu nhục, gà hay giò lợn hầm hạt dẻ, xôi ngũ sắc… Bánh cuốn cũng là món ăn bạn dễ tìm thấy ở khắp thành phố, giá khoảng 25.000 đồng.
Phở chua là đặc sản Cao Bằng. Bánh phở dai, ăn cùng thịt ba chỉ rán giòn màu vàng sậm đẹp mắt, gan lợn cắt mỏng, dạ dày lợn chiên, thịt vịt quay. Món ăn còn có khoai tầu thái sợi chiên giòn. Đây là loại khoai củ to, bở và ngọt chỉ có ở Bắc Kạn và Cao Bằng. Hương vị không thể thiếu lá móc mật, đậu phộng, rau húng, mùi, dưa chuộ
Cá trầm hương là loài cá ngon trứ danh ở thác Bản Giốc, bán nhiều ở chợ Trùng Khánh. Cá tươi làm sạch, mổ bụng rồi nhét thêm hành, thì là, ớt… vào bên trong, bọc qua bằng lớp lá chuối rồi cho lên bếp than nướng. Khi chín, cá tỏa mùi thơm nức.
Bánh áp chao, hay còn gọi là bánh vịt chao, được bày bán nhiều vào mùa đông, từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau. Bánh có vẻ bề ngoài khá giống bánh rán mặn nhưng phần nhân được làm từ thịt vịt.
Bún khô 8 màu trứ danh tại xóm Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo, cách TP Cao Bằng khoảng 9 km. Bún sợi màu vàng làm từ ngô tẻ, màu đỏ từ gạo lứt, màu xanh lá là chùm ngây, vị hoa đậu biếc màu xanh trời; bún lá cẩm màu tím, khoai lang tím…
Rau dạ hiến hay rau bò khai là thứ rau dại, nhưng không phải ở vùng nào cũng có. Từ sau Tết đến tháng 7 âm lịch, rau mọc nhiều và ngon. Bạn có thể mua rau với giá khoảng 30.000 đồng một bó.
Hạt dẻ Trùng Khánh là món ngon không nên bỏ qua, nhưng chỉ có theo mùa. Người Cao Bằng có kiểu ăn độc đáo là luộc hạt dẻ rồi rang khô, bóc tách vỏ lấy nhân. Nhân đem giã nghiền thành bột, trộn đều vào cốm từ giống nếp Pì Pất. Món ăn hấp dẫn với vị thơm của cốm, vị bùi của hạt dẻ.
Đặc biệt, dễ tìm mua làm quà ở TP Cao Bằng nhất là thịt hun khói. Thịt lợn sau khi tẩm ướp gia vị, gừng núi đá, mật ong rừng được đem hun dưới than củi và mía, cho thịt màu đỏ tươi, dậy mùi.
Nguồn: VNEpress – Du Hy